Giỏ hàng

Cây dừa làm nên tour thú vị

Hãy xây dựng câu chuyện dừa

Từ cầu Hàm Luông, phóng tầm mắt về phía cù lao Minh, cù lao Bảo, Bến Tre bạt ngàn dừa, ôm ấp những giá trị văn hóa đặc sắc, đậm đà phong vị dừa xanh.

Trải qua 3 lần festival dừa Bến Tre, du khách có thể chiêm ngưỡng tổng thể giá trị của cây dừa. Thế nhưng, điều này chỉ được hội tụ tại festival. Trong khi hoạt động du lịch trải dài quanh năm, những tour hiện tại lại gắn kết thưa thớt các mặt ích lợi của cây dừa và ít tạo điểm nhấn đặc trưng “gây thương nhớ”. Bên cạnh đó, ngoài dịch vụ homestay, dường như miền Tây vẫn còn thiếu các khu lưu trú cao cấp “ẩn mình” trong không gian đậm chất miệt vườn. Đối với du khách, nhất là du khách nước ngoài, bên cạnh nghỉ dưỡng, việc tìm hiểu cuộc sống, phong tục địa phương luôn được quan tâm sâu sắc. Đến với xứ dừa, họ không chỉ thưởng thức các sản phẩm đơn lẻ từ dừa, mà phải thực sự đang tận hưởng không gian văn hóa dừa.



Cây dừa gắn bó thiết thân với cuộc sống tự thuở nào. Cây cầu dừa mộc mạc bắt nhịp đôi bờ, kết nối tình xóm giềng, se duyên cho biết bao đôi lứa. Rồi từ mái lá dừa, gáo dừa múc nước đơn sơ, dừa đi vào thơ ca, dừa lập nên chiến tích oai hùng của một thời chiến tranh khói lửa giữ nước. Cây dừa ẩn hiện dáng vóc của người con xứ Việt, lúc hiền hòa, lãng mạn, lúc rắn rỏi hiên ngang.

Chuỗi giá trị đa dạng này cần được chuyển tải thông qua khu bảo tàng - một công trình kiến trúc kết hợp với không gian mở mang tính mỹ thuật cao. Bên cạnh khám phá cây dừa qua lăng kính lịch sử, mọi người còn tận mắt tìm hiểu, phân biệt và thưởng thức nhiều giống dừa được bảo tồn: dừa xiêm, dừa lửa, dừa dứa, dừa dâu, dừa sáp… Bằng chứng là, mô hình rừng dừa du lịch của “vua dừa” Tám Thưởng ở cồn Ốc có sức hút nhất định đối với du khách.

Tham quan những mô hình sáng tạo đem lại hiệu quả kinh tế cao như xen canh dừa, ca cao, măng cụt, bưởi da xanh hay kết hợp nuôi trồng thủy sản cũng tạo nhiều lý thú. Không gian vườn dừa, ngoài “ngoạn cảnh” còn có thể kết hợp tổ chức các trò chơi vận động mang nét đặc thù miền Tây: tết con vật từ lá dừa, đi cầu dừa, bơi bằng phao quả dừa…

Cảm nhận của du khách sẽ rõ nét hơn khi họ thực sự hòa vào đời sống miệt vườn. Đôi khi, đơn giản chỉ cần lưu trú trong không gian rợp bóng dừa xanh, vắt vẻo trên chiếc võng giữa trưa, thưởng thức nước dừa mát lành và trò chuyện với người dân địa phương về cuộc sống nơi này. Dưới tán dừa, du khách thỏa thích tham gia sáng tạo. Là cách thử thách khi học leo cây dừa, chặt quả dừa, nạo dừa, học làm các món ăn từ dừa với nhiều chủ đề khác nhau: món ăn dân dã, món ăn đám giỗ, món ăn ngày Tết. Vị dừa beo béo hòa quyện cùng những sản vật hương đồng gió nội miền Tây – cá bống kho dừa, tép rang dừa, lươn um nước dừa …– đánh thức mọi giác quan, đượm nồng tình người tình đất. Bánh tráng Mỹ Lồng, kẹo dừa Bến Tre giờ đây đã trở thành niềm tự hào của người dân xứ dừa. Thú vị hơn, du khách còn tham quan làng nghề, tự tay làm các sản phẩm trang trí đơn giản từ lá dừa, hoặc tham gia vào một công đoạn chế tác nên mặt hàng mỹ nghệ.

Sự độc đáo sẽ giữ chân khách

Nếu Phillipines, xứ sở công nghiệp dừa, gây ấn tượng mạnh bằng cung điện dừa nổi tiếng thì tại Việt Nam, chưa có công trình tiêu biểu mang đậm dấu ấn loài cây độc đáo này. Có chăng, khách du lịch chỉ cảm nhận sự mộc mạc qua dừng chân trong những ngôi nhà lợp bằng lá dừa. Thiết nghĩ, một nhà hát hay sân khấu biểu diễn có nguồn gốc từ dừa là cần thiết để tôn vinh giá trị nghệ thuật của cây dừa.



Tại đây, tận hưởng không gian mát mẻ từ gỗ dừa, chiêm ngưỡng các tác phẩm trang trí tinh xảo, cho đến “yên vị” trên những chiếc ghế sân khấu bằng thân cây dừa đều lan tỏa cảm giác thích thú. “Sân khấu dừa” hứa hẹn mang đến hoạt động sôi nổi cho vùng đất vào ban đêm vốn trầm lắng như “điệu buồn phương Nam”. Chính phông văn hóa dừa độc đáo lan tỏa từ ngàn đời tạo nguồn chất liệu phong phú cho hình thức sân khấu hóa. Chuỗi ca khúc hát về cây dừa, các nhạc cụ làm từ dừa như gáo, đàn, thời trang dừa và những giai thoại được lưu truyền đủ sức níu chân du khách bằng chương trình văn nghệ hấp dẫn. Bên cạnh đó, các hoạt động vui chơi, giải trí, ẩm thực ban đêm diễn ra trong không gian lấp lánh ánh đuốc lá dừa để lại ấn tượng khó quên.

Cây dừa được cảm nhận bằng mọi giác quan.Thấm mệt sau những chuyến trải nghiệm, khách du lịch, đặc biệt là nữ giới sẽ thư giãn với dịch vụ spa thiên nhiên bằng hàng loạt sản phẩm làm đẹp từ dầu dừa “trẻ da đẹp tóc”, mặt nạ dừa…

Dừa là không gian độc đáo trải dài khắp đất nước, tuy chung một bóng dừa nhưng mỗi nơi một sắc màu. Nếu dừa Bến Tre phóng khoáng khí chất sông nước miệt vườn thì dừa Tam Quan (Bình Định) trưởng thành từ nền văn hóa nảy mầm trong bạt ngàn nắng gió và biển miền Trung. Làng Cẩm Thanh (Hội An) lại ngát xanh dừa nước, đặc trưng với hình ảnh “Nam Bộ trong lòng phố cổ”. Chính sự đa dạng tạo ra bản sắc riêng cho du lịch không gian văn hóa cây dừa ở mỗi địa phương.

Cuộc sống hiện tại của những loài cây là nguồn chất liệu phong phú góp phần đẩy mạnh hoạt động du lịch sinh thái. Để làm đậm đà không gian văn hóa giàu tính vùng miền, cần lắm vai trò của đội ngũ hoạch định chiến lược cho đến sự đóng góp công sức tích cực từ người dân. Tất cả đều cần một lộ trình rõ ràng để kết nối những sản phẩm du lịch còn đang trong mối quan hệ lỏng lẻo.

Du lịch không gian văn hoá cây đặc trưng góp phần quảng bá nét đẹp thực vật truyền thống Việt Nam với bạn bè thế giới. Đây còn là giải pháp bền vững giúp bảo tồn và tôn vinh giá trị toàn diện những giống cây quý, đồng thời mở ra nhiều cơ hội cải thiện cuộc sống cho những người dân trong vùng.